QUAN NIỆM

Cây cảnh (Bon Sai) ở Việt Nam đã có từ lâu đời và đã được các cụ đúc rút kinh nghiệm và lưu truyền cho thế hệ sau. Để có được những tác phẩm cây cảnh đẹp và thành công trong nghề cần nhiều yếu tố cộng hưởng là:
Về người làm cây cảnh: Trước hết làm cây cảnh phải có một trình độ văn hóa nhất định, có kiến thức về động thực vật, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, kiến thức, kỹ thuật tạo hình chăm sóc, uốn tỉa...v..v.. Đồng thời người làm cây cảnh phải có lòng đam mê gắn bó, kiên trì, nhẫn lại, không ngại khó khăn, gian khổ, chịu khó học tập, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, luôn luôn không bằng lòng với những gì mình đã tạo ra.
Về gia đình: Phải được mọi người trong gia đình tạo điều kiện, ủng hộ, giúp đỡ từ địa điểm, thời gian, công sức, vật chất và tinh thần... 
Về xã hội: Cần phải giao lưu, tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm với những người trong lĩnh vực cây cảnh và ngoài lĩnh vực cây cảnh qua nhiều kênh thông tin khác nhau. 
Về văn hóa, tư tưởng, lịch sử, vùng miền: Văn hóa nghệ thuật các vùng miền khác nhau, tư tưởng quan điểm nho giáo, phật giáo khác nhau, lịch sử khác nhau nên sản phẩm làm ra có bản sắc riêng biệt.

Cây cảnh Việt Nam có các đặc điểm tính chất sau:

Tính tâm linh: Cầu mong phúc lộc thọ, khang, ninh, cầu tài, cầu lộc, cầu con, cầu phúc, cầu danh... như hội chợ Viềng mua cây cầu may mắn được mùa. Cây cảnh để ở nhà thờ hoặc chùa chiền, đình làng ở những nơi tôn nghiêm, và được truyền từ đời này qua đời khác.
Tính cộng đồng làng xã: Biểu hiện ở các tác phẩm mang chủ đề làng xã, quê hương, hoặc làm sinh vật cảnh theo vùng miền như Nam điền, Hải hậu, Huế, Bình Định, Hậu Giang...
Tính giáo dục: Giáo dục truyền thống gia đình, truyền thống quê hương, trung vua, trọng thầy, trọng đạo, hiếu thuận ông bà bố mẹ, anh em hòa thuận.
Tính ước lệ: Tác phẩm Cây cảnh được thể hiện ở ngay chủ đề của tác phẩm (Các cụ gọi là thế cây) Ví Dụ: Long Thăng, Long Giáng, Huynh Đệ đồng Khoa,... Người làm cây cảnh phải làm cho cây cảnh biểu đạt được nội dung trên chứ không phải yêu cầu giống như ngoài đời thật như đúc.
Tính nhân văn: Tác phẩm cây cảnh ngoài việc giáo dục điều tốt điều lành, mong muốn gia đình hòa thuận, yên ấm,... thì đối với người làm cây thì quý người tặng cây không tặng tiền, mong muốn tốt đẹp thì tặng tác phẩm: Phúc Lộc Thọ, mong muốn bạn bè cùng tiến hộ tặng tác phẩm: Huynh Đệ Đồng Khoa...v..v..
Tính nghệ thuật cao: Tác phẩm cây cảnh là một tác phẩm nghệ thuật sống nó không những đang sống mà còn luôn luôn phát triển cùng với năm tháng, thời gian. Nguyên liệu làm nên tác phẩm là thực vật sống. Chính vì vậy nó luôn luôn có xu hướng phát triển tự nhiên để thoát ra khỏi sự bố trí, sắp đặt của bàn tay con người, cho nên trong một khoảng thời gian nhất định con người lại phải uốn tỉa, sửa sang lại để cây cảnh luôn giữ được cả hình thức lẫn nội dung biểu đạt ban đầu.
Để có một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp thì từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết hoàn thành đòi hỏi phải có thời gian dài không chỉ tính bằng tháng mà có thể cả đời người, thậm chí thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia mới hoàn thành được tác phẩm đó. Nếu tác phẩm mà phải qua nhiều thế hệ thì đòi hỏi thế hệ trước truyền được nghề cho thế hệ sau cả về nghề và ý tưởng thực hiện tác phẩm đó là một kỳ công và không hề đơn giản chút nào.
Lịch sử giao bang giữa các quốc gia cũng đã từng ghi nhận có quốc gia này tặng quốc gia kia vật phẩm sinh vật cảnh là cây cảnh, đá cảnh, thú cảnh…để kết tình giao hảo, tránh đc những căng thẳng chiến tranh, thay vào đó là việc giao thương, đi lại hữu hảo, tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc.
Tính kế thừa, nối tiếp: Rất ít tác phẩm nghệ thuật nào mà cả đời người, hoặc 2-3 đời (có thế 1 thế hệ hoặc nhiều thế hệ) cùng đóng góp công sức, trí tuệ để hoàn thành như tác phẩm sinh vật cảnh đặc biệt là cây cảnh (bonsai).


Powered by Blogger